Lễ tam chiêu, mở cửa mà những điều cần biết. Phần nhiều việc chôn cất, lễ táng ngày nay chỉ còn được làm theo cách truyền miệng, không có một sách vở, khuôn mẫu nào, cũng không theo quy luật, nguyên lý căn bản nào làm cốt lõi. Dưới đây là một vài chia sẻ về việc làm lễ cho ngày Tam Chiêu (tức là ngày Mở Cửa Mả - ngày thứ 3 kể từ ngày nhập mộ hạ thổ) mong rằng mọi người sẽ có thêm một kênh tài liệu để khảo cứu và chỉ dẫn cho người chung quanh khi cần.
LỄ NGÀY TAM CHIÊU - MỞ CỬA MẢ - CÚNG 3 NGÀY
Trước tiên nói về ngày Tam Chiêu mà người thế gian còn gọi là ngày (Mở Cửa Mả): Dân gian quan niệm rằng khi chôn cất sau 3 ngày thì hồn phách người chết hội lại tỉnh táo rồi, nhưng nếu không mở cửa mả thì họ không tỉnh hẳn được, không thể trở lên mặt đất, cũng không biết đường về nhà, vì vậy cần làm lễ mở cửa mả để cho vong linh tỉnh hẳn có thể lên dương thế và tìm đường về nhà (nơi đặt bàn thờ).
Đó là quan niệm dân gian, còn nếu nói về tâm linh thì lại là chuyện khác: Kỳ thực Tam Chiêu tức là một thời gian ước lượng, khi chết con người sẽ chia phần PHÁCH ra thành 7 phần (với nam và nữ chưa có con) và 9 phần với nữ đã sinh con tương ứng với thất khiếu (7 lổ) và cửu khiếu (9 lổ) trên người, những phần phách này được gọi là VÍA.
Vậy thì 3 hồn (THẦN HỒN, THÂN HỒN, TÂM HỒN) và 7 hay 9 VÍA được thoát ra đó sẽ được hội lại dần dần, có người sẽ rất nhanh nếu là người chết thanh thản, an nhiên, và sẽ lâu hơn với người chết uất ức, tức tưởi hay oan khuất. Thông thường thời gian hoàn hồn là từ 3-7 ngày, nhưng người ta thường làm lễ vào ngày thứ 3, và vì vậy cho nên đa phần là chưa hội đủ hồn phách (vong linh như người lơ mơ, giống như người thường ngủ mới thức giấc, chưa thật sự tỉnh táo) vậy cho nên người ta mới làm lễ TAM CHIÊU (tức là Chiêu Hồn vào ngày thứ 3 hay còn gọi nôm na là Mở Cửa Mả).
Cách làm lễ mở cửa mả theo dân gian thì ai cũng biết (gồm những điều quan trọng như là: Cấm 4 ống trúc ở 4 góc mả để đánh dấu 4 hướng Đông Bắc, Nam Tây giúp vong linh định hướng khi trở lên), có làm một cây thang giả (để hồn phách biết là phải đi lên mới ra khỏi mả được), dùng một con gà (tượng trưng cho việc kêu gọi tỉnh táo) giúp cho các hồn phách nhanh chóng hội tụ lại, và dùng giấy tờ vàng mã hay gạo muối rãi ra đất làm dấu cho vong linh biết đường theo đó mà đi về nhà! Và dùng một cây mía dựng bên mả (dụng ý thay cho cây niêu định vị cho hồn phách tụ lại đây).
Chuẩn bị lễ vật:
• Một cái thang bằng bẹ chuối (nam 7 bặc, nữ 9 bặc), môt cây mía lao để cả ngọn, một ít tiền vàng mã
• Hai lọ hoa, hai đĩa trái cây (1 cúng đất đai, 1 cúng vong)
• Ba ống trúc dài khoảng bốn tấc (40cm) vót nhọn một đầu: 1 đựng muối, 1 đựng nước, 1 đựng nước – bịt lại bằng nilon trên đầu
• Bốn cây nến
• Năm thứ đậu (100 gram chung cho 5 thứ), năm thẻ tre dài 4 tấc (40cm) vót nhọn 1 đầu (để làm bài vị cúng ngũ phương ngũ thổ tôn thần)
• Sáu chén chè, hai đĩa xôi, một bộ tam sênh (trứng, thịt, tôm)
• Bảy cái chén, một bình trà, một chai rượu
• Một con gà trống
Sắp đặt lễ cúng:
• Cắm ba ống trúc có gạo, muối, nước dưới chân mộ, dựa cái thang vào 3 ống trúc, đằng sau, phía trên để cài bài vị.
• Bày hai mâm lễ cúng có chè, xôi, hoa, trái cây, trà rượu, giấy tiền vàng mã trước mộ (dưới chân) để cúng vong và ở một nơi sạch sẻ gần đó để cúng thần.
• Cắm năm thẻ tre đã được dán bài vị ngũ phương ngũ thổ tôn thần ở bốn góc và giữa mộ phần.
• Thắp hương trước mộ, mâm cúng thần và các bài vị tôn thần cũng như ở các ngôi mộ xung quanh.
Nghi thức cúng:
• Thắp nhang khấn xin chư vị tôn thần dẫn dắt linh hồn người chết về nghe kinh, chứng minh lễ khai mộ.
• Thầy tụng kinh thỉnh chư vị tôn thần và triệu linh, làm phép sái tịnh
• Gia đình chia nhau mỗi người một ít đậu, một người đại diện cầm cây mía, dắt con gà theo thầy đi quanh mộ vừa niệm phật, vừa rải đậu.
• Sau khi đi đủ ba vòng trở lại vị trí cũ, đốt giấy tiền vàng mã, lạy tạ tôn thần và dẫn vong trở về nhà cúng an linh.
Theo dân gian thì là như vậy: Vậy một vài điều cần lưu ý trong ngày Tam Chiêu là gì?
- Thứ nhất: Về thời gian chiêu hồn thì không phải hễ 3 ngày thì đã hội được đâu, nhưng người ta làm vậy để cho hồn phách sớm hội tụ lại mà thôi, cho nên với những người bị oan thác, chết tức tưởi, đột ngột thì nên làm thêm 1 lần vào ngày thứ 7 sau khi nhập thổ.
- Thứ hai: Về quần áo, vật dụng chớ nên đốt ngay khi chết hay chôn theo tất cả, chôn theo chẳng ích lợi gì cho vong linh đâu, họ có mang, có mặc được gì đâu, mà nên hỏa táng bên mộ vào ngày tam chiêu, sẽ giúp cho vong linh theo mùi của mình mà sớm hội hồn, tụ vía.
- Thứ ba: không nhất thiết là cây mía làm niêu đâu, mà dùng cây gì cũng được, nhưng nên buộc một cái khăn của người mất trên đầu cây niêu để hồn vía được chiêu ứng sớm tụ được. Trên đầu cây niêu nên treo theo một chuông gió (điều này ít khi có người làm) vì vong linh còn chưa hội đủ hồn phách nên không thể nhìn chỉ cảm nhận qua mùi vị và sự rung động (âm thanh).
- Thứ tư: Con gà không phải là tìm đại một con gà mới lớn là mở cửa mả được, mà nên tìm một con gà trống vừa tập gáy, sau khi dẫn gà đi quanh mộ 3 vòng thì nên nhốt gà lại để gà gáy giúp hồn phách hội lại chứ không phải dẩn đi loanh quanh làm gì không rõ như thế đâu, điều cần là tiếng gáy của nó mà lại không thấy, cái vô nghĩa thì lại cật lực mà làm! Sở dĩ nên chọn gà trống mới tập gáy vì chúng sẽ gáy liên tục không bị chi phối chứ không phải tìm đại một con gà là đúng.
- Thứ năm: Việc rãi giấy vàng mả là điều vô minh, sở dĩ khi xưa người ta dụng vàng mã là vì đã ngâm ủ trong quần áo người chết rồi, có mùi chiêu cảm được rồi cho nên người ta mới rãi như thế, vì ngày xưa quần áo rất hiếm, đôi khi chỉ có một vài bộ chôn theo người mất mà thôi, ngày nay nên làm là dùng một bộ quần áo nào người đó còn sống hay mặc nhất rồi tháo ra thành từng sợi chỉ nhỏ mang số chỉ vải đó rãi ra đường làm định hướng cho vong linh biết đường mà về lại nhà.
Vài điều chia sẻ, hy vọng hữu ích! Chúc tất cả an lạc, tinh tấn!!!
Tóm lại: Việc thờ cúng với nguồn gốc từ phong tục từ người xưa để lại đến nay cũng nhiều nghìn năm nên không tránh được tam sao thất bản, cũng đã có nhiều hình thức chỉ mang tính ước lệ, không phù hợp với môi trường sống hiện đại. Nên trên đây là những nguồn sưu tầm để làm căn cứ và các gia đình có thể tham khảo và tính ứng dụng cho phù hợp để trong tang lễ được trang trọng, mang đầy đủ tính hiếu nghĩa của người sống đối với người mất, các thành viên trong gia đình, gia tộc đồng nhất với tinh thần hiếu kính, tiết kiệm, không quá mê tín khi những điều không biết và không tìm hiểu kỹ để trở thành dị đoan đi ngược với đường lối của Đảng và Chính phủ. Chưa kể đến mỗi dân tộc, mỗi quốc gia có những hình thức an táng, tang lễ khác nhau nên cũng không có gì gọi là quy chuẩn, quy chuẩn chỉ dựa theo khái niệm người đời tự đặt ra và lâu dần mọi người làm theo tạo thành văn hóa. Văn: Tức là tư tưởng mong muốn của người sống (tức chủ gia đình) Hóa: Tức là chuyển hóa từ tư tưởng sang những hành động, hành vi phục vụ theo tư tưởng. . Theo quan điểm của người viết và sưu tầm: Thì có nhiều thủ tục đã không phù hợp, với lại nguồn gốc giải thích ý nghĩa chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Nên chúng ta đối với tang lễ nên lấy tính chất phù hợp với hoàn cảnh, không gian, thời gian, con người, gia đình, vị trí, nguồn lực của từng trường hợp để có phương án tốt nhất trong một tang lễ. Với mục đích cuối cùng là thể hiện sự tôn kính với người đã mất, tưởng nhớ ghi nhớ công ơn, những giá trị khi người mất đã tạo ra cho cộng đồng xã hội lúc sống, bảo vệ thi hài với niềm tin tín ngưỡng tôn giáo trên cơ sở pháp luật cho phép. Và đó chính là Ý nghĩa cốt lõi mọi người hướng tới của Đạo Hiếu Nghĩa thờ cúng ông bà tổ tiên.
Nguồn: Sưu tầm tín ngưỡng phong tục Việt Nam